Trong tinh thần "Cùng chung và Liên kết để phục vụ người nghèo", Anh em La San và các đối tác La San đã cố gắng đi đến với người nghèo một cách thiết thực trong Năm La San 2000.
Phường Tân Hưng Quận 7 có rất nhiều người dân tạm trú. Đó là những người từ phường xa kéo nhau về Sai Gòn lập nghiệp, tưởng rằng sẽ dễ dàng kiếm được cái ăn. Thế nhưng sự việc lại không như họ tưởng. Không nghề, không vốn, vợ chồng phải đi làm việc cực nhọc, con cái thì lang thang ngoài đường bán vé số, đánh giày, bán đủ thứ lặt vặt để phụ giúp kinh tế gia đình. Việc học dĩ nhiên là để qua một bên. Vả lại, không có hộ khẩu thành phố thì không thể vào trường công học được. Vào trường bán công hay dân lập thì không có tiền. Đành vậy, chịu dốt. Theo báo cáo của Phường cho biết, có khoảng 300 em trong Phường ở trong tình trạng nầy.
Sau hơn bốn tháng liên lạc với chính quyền địa phương để xin phép mở lớp. Hợp đồng (miệng) là bên này sẽ lo hết chi phí: tiền thuê nhà, tiền trả cho cô giáo, sách tập cho học sinh... Còn bên Phường chỉ có việc vận động cho các em đến lớp. Cuối cùng thì ấn định ngày khai giảng là 01/08/2000, đúng 8 giờ sáng.
Một ngày khai giảng chưa từng có. 8 giờ, Đại diện các cơ quan đoàn thể: đại diện Phường, đại diện Hội chữ thập đỏ Quận 7, đại diện Hội chữ thập đỏ Quận 1 , đại diện Hội Phụ nữ Phường, đại diện an ninh khu vực, đại diện La-san, nữ tu Bác ái Vinh sơn... bàn mới, ghế mới... cô giáo mới... Tất cả đều có mặt... chỉ trừ học sinh. Không có một mống. Soeur Marcel, nóng lòng, bèn ra đường phố chiêu mộ tại chỗ. Soeur nói là đi "lùa". Sau 15 phút, các em lục tục kéo đến: 25 em. Thế là khai giảng luôn.
Sau một tuần, lớp phải chia ra làm hai vì sĩ số đã trên 40 em. Những em nào đã biết đọc biết viết thì cho vào chung một lớp, gọi là lớp 2. Những em chưa biết gì thì bắt đầu lớp một.
Phụ huynh lẫn các em học sinh không cảm thấy việc đi đến trường là quan trọng. Thậm chí còn coi đó là một việc mất thời giờ! Cụ thể như vài trường hợp sau đây:
a) Cô giáo thấy người học sinh của mình lang thang trước cửa lớp, bèn hỏi:
- Tại sao em không vô lớp?
- Thưa cô, em không dám vô vì đến trễ.
- Tại sao em đi trễ?
- Thưa cô, bà ngoại em bắt em đi chợ nên trễ giờ, em không dám vô.
b) Hôm nay ngày lễ Vu lan, rằm tháng bảy. Dân không công giáo thường có tục lệ cúng cô hồn. Thế là lớp học hôm nay vắng hơn 10 em. Lý do: ở nhà đi giựt đồ cúng!
Nhưng cũng có nhiều trường hợp rất đáng thương. Cha mẹ nghèo không cho con đi học được, nay có cơ hội, dù không có tiền, cũng ráng cho con đến trường lớp.
Đang giờ học, có hai em bé tự nhiên chạy ra ngoài. Tò mò, tôi đi theo. Thì nghe bà mẹ trên tay cầm xấp vé số, nói với hai con: "Mẹ cho hai con mỗi đứa một ngàn. Sáng giờ mới bán được, mẹ đem đến cho hai con."
"Dụ" các em chịu đến trường là một chuyện, "lùa" các em đến lớp là một chuyện, nhưng làm sao cho các em "thích đi học" hơn là lang thang ngoài đường là cả một vấn đề.
Trong một ngày gần đây, khi hai lớp kia đã ổn định, sẽ đi "lùa" một lần nữa để mở thêm lớp buổi chiều.
KỶ NIỆM KHÓ QUÊN
Cô giáo Uyên vừa tốt nghiệp Sư Phạm là được chiêu mộ làm giáo viên lớp Tình Thương Phường Tân Hưng Quận 7. Hai tuần lễ đầu qua đi thật phấn khởi. Chỉ trong tuần lễ đầu tiên, học sinh đã tăng lên hơn 40 em. Phải chia làm hai lớp thôi. Những em nào đã biết đọc biết viết "khá khá" thì cho vào lớp Hai.
Những em chưa biết đọc biết viết thì học lớp Một. Lớp Hai được 15 em. Lớp Một được 32 em. Việc học đối với các em như là cái gì thật lạ lùng, ngoài mơ ước. Một đặc điểm của các học sinh lớp Tình Thương là: Không biết lễ phép là gì, mở miệng ra là nói tục...
Cô giáo phải chỉ từng chút một. Khoanh tay. Dạ thưa khi trả lời...
Thầy trò rất là vui vẻ. Điều an ủi là thấy chúng thích học.
Tuy chậm nhưng rất chăm ngoan... Quậy ít.
Em C., nghe đồn là một tay anh chị và nổi tiếng là quậy. Tuy mới 11 tuổi. Học lớp Một. Trong lớp các bạn khác có vẻ e dè. Một hôm, vì em lăng xăng trong lớp, cô giáo khuyên nhủ và cảnh cáo phạt, nếu em còn phá rối trật tự trong lớp. Em chấp nhận. Tuy nhiên, chưa đầy 10 phút sau, em lớn tiếng chửi thề. Dựa trên lời cam kết của em khi nãy, cô giáo kêu em lên phạt. Em cầm theo cây viết chì đi lên, mặt hầm hầm, quăng xuống đất trước mặt cô giáo rồi bỏ đi ra cửa. Thầy T. đang đứng trước cửa ra vào, nắm tay em lại dứt khoát bảo em lượm cây viết chì lên và đưa cho cô. Thế mà phải nói đến lần thứ ba, em mới trở vô lượm cây viết chì và để trên bàn cô giáo.
Nhưng nó có đi đâu xa, chỉ ra ngoài đường hẻm trước cửa lớp, vừa ngồi xem mấy đứa khác bắn bi vừa chửi liên tục. Khoảng 15 phút sau, không còn ai bắn bi, buồn tình, em lại trở vào đeo cửa sổ nhìn vào lớp học. Cô giáo bảo các em trong lớp đánh vần, nó cũng đánh vần theo. Chọc tức cô giáo chơi vậy đó. Đuổi nó ra ư? Thầy T. ráng nhẫn nại. Không muốn tắt ngọn đèn còn leo lét. Nhưng Thầy T. vừa đứng đó vừa canh chừng, linh tính Thầy thấy có gì không ổn cho chiếc xe cô giáo để ở gần đó.
Thình lình, một nhân viên của Phường vào gặp Thầy T. để xin danh sách học sinh của lớp Tình Thương. Thầy T. quay ra tiếp nhân viên của Phường, trong khi đó thì em C. bỏ đi ra đường hẻm lại, vừa đi vừa lầm bầm: "Chút nữa cho cô giáo đi bộ về".
Cô giáo vẫn tiếp tục dạy. Nhưng hình như đây là một cú "sốc" hơi nặng đối với một cô giáo mới ra trường. Cô mất bình tĩnh và cho học sinh nghỉ sớm 45 phút. Trong lúc đó Thầy T. kiểm tra sơ qua xe của cô giáo và thấy mất đầu chụp bu-dzi. Thủ phạm là ai thì dư biết. Thầy T. liền kêu em C. lại và bảo: "Trả nắp bu-dzi lại cho cô". Sau năm lần bảy lượt chối quanh. Sau cùng nó nói để nó ra lượm trả. Thì ra, nó quăng ngoài đám cỏ.
Cô giáo biết chuyện, mặt mày tái xanh. Sợ bị trả thù. Thầy T. nửa đùa nửa thật: “Coi chừng sáng thứ hai nó trở vô lớp đó!" Cô giáo mặt càng tái hơn, hỏi: "Chi vậy?" Hôm đó là ngày thứ sáu cuối tuần.
Thứ hai tiếp theo. Thầy T. đến trễ. Tuy nhiên, hôm đó có 2 người bạn cũng đến hỗ trợ cô giáo, vừa để ghi danh học sinh cho lớp mới. Quả thật, em C. đã trở lại lớp như lời nói đùa của Thầy T. hôm thứ sáu tuần trước. Khi vừa mới bước đến cửa, em C. trong lớp chạy ra chào và nói:"Em xin lỗi Thầy."
Suốt buổi học ngày hôm đó, em C. rất ngoan, ngồi học chăm chỉ. Tham gia rất tích cực. Cô giáo luôn động viên, kêu em lên bảng, và khen em khi em trả lời hay làm bài đúng... như không có chuyện gì xảy ra.
Em đã tự thú: "Em đã từng ăn cắp và bị công an bắt, thì cái bu-dzi xe của cô chẳng là gì đối với em cả."
Giờ đây, sau ba tuần đến lớp, các em khác cũng biết bắt đầu có tiến bộ, biết nói dạ thưa, không xả rác bừa bãi...
Năm đầu mới vào nghề quả thật nhiêu khê, nhưng cũng có vài an ủi.
CHUYỆN BÊN LỀ
Lớp Tình Thương hiện nay ở trong một con hẻm nhỏ bé, hơi lầy lội khi trời mưa, cách đường lộ độ gần 100m. Một tuần sau ngày khai giảng, tự nhiên con hẻm được rải đá xanh xay nhỏ, từ ngoài đường đến lớp Tình Thường. Vừa chạy xe vào vừa thầm nghĩ "Nhà nước tử tế ghê". Khi về nhà, Thầy Ba kể chuyện (vừa múa máy) mới hay. Có một bà trong hẻm vừa trúng số 25 triệu đồng tuyên bố: "Từ khi có cái lớp Tình Thương đó, hên lắm! Cho nên rải đá cho học trò nó đi!"
CÂY LỚN DẦN LÊN
Một lớp học Tình Thương thứ ba chào đời vào ngày 24 tháng 8 năm 2000, được 29 học sinh tất cả. Rồi đến ngày thứ hai 27 tháng 8, một lớp thứ tư nữa khai trương. Sĩ số cũng không kém: 30 em. Hữu xạ tự nhiên hương (hôi?). Ngày nào cũng có cha mẹ dẫn con đến xin học. Những học sinh đến sau ngày 31/08/2000 thì nằm trong danh sách "chờ", cho đến khi nào lên đến khoảng 20 em thì sẽ mở thêm một lớp mới nữa. Như vậy, tổng cộng học sinh lớp Tình Thương sau một tháng kể từ lúc khai giảng đã lên đến 118 em.
Frère Nguyễn Văn Tân