Đây thiếu sinh trường La San, vui xướng lên bài ca đoàn, cùng tiến bước trên đường đời, lòng ta nhất quyết nên người, theo gương sáng những bậc đàn anh…
LA SAN TÂN HƯNG, TIẾN LÊN!
_________________________ Vital Luca Nguyễn Hữu Quang, FSC
Đây thiếu sinh trường La San, vui xướng lên bài ca đoàn, cùng tiến bước trên đường đời, lòng ta nhất quyết nên người, theo gương sáng những bậc đàn anh…
Mỗi lần lắng nghe tiếng hát hành khúc La San của “bầy chim non Tân Hưng" ca lên cao vút hăng say, tôi chợt nghĩ đến tên La San mà trường mang tên: Trường La San Tình Thương Tân Hưng.
Đúng vậy, cách đây hơn 300 năm một người tên Gioan La San đã vì tình thương với các trẻ em nghèo của thành phố Reims, đã từ bỏ địa vị cao quý của Ngài và với các Anh Em (Sư Huynh) thiện chí lập ra các trường tình thương khắp nước Pháp và nay nó đã có mặt khắp nơi trên thế giới.
Các môn đệ của Ngài đã đến Việt Nam từ năm 1866 và các Anh Em La San Việt Nam đã mừng 150 năm vào năm 2016. Cùng những trường phổ thông, gương mặt của các trường tình thương mà trước 1975, Anh Em La San gọi tên là La San Nghĩa Thục (miễn phí) cũng đã hiện diện song hành với các người anh em của chúng, và cũng được các Anh Em La San trực tiếp hướng dẫn. Chính tên La San luôn nhắc nhở cho tất cả những ai bước vào Tân Hưng, cần đem theo mình hành trang quan trọng nhất: tình thương.
I- KHỞI ĐIỂM CỦA TÌNH THƯƠNG
Vào thời Anh Em La San đến đây, phường Tân Hưng Quận 7 có rất nhiều người dân tạm trú. Không nghề, không vốn; gia đình: cha mẹ chỉ có thể đi làm việc đơn giản cực nhọc, con cái thì lang thang ngoài đường bán vé số, đánh giày, hay bán đủ thứ lặt vặt để phụ giúp kinh tế gia đình. Việc học dĩ nhiên là để qua một bên. Phường cho biết, có khoảng 300 trẻ em trong phường ở trong tình trạng này.
Sự hiện diện bất thường của Anh Em và các cộng tác viên lúc đầu chỉ là những sinh hoạt xã hội định kỳ vào những dịp lễ lớn: Trung Thu, Tết Nguyên Đán,... cộng tác với đoàn Thanh Niên Chữ Thập Đỏ, và chỉ dần dà họ mới được bộ phận Thương Binh Xã Hội Phường biết đến.
Thế kỷ XXI: Một biến cố quyết định ra đời với Tân Hưng:
Ngày lịch sử 01/08/2000, rất đẹp trời, đúng 8 giờ sáng: Ngày được chọn để khai trường. Một "Hội Đồng Tình Thương" với đủ thành phần cơ quan đoàn thể để đón tiếp các em, đều có mặt tại Tân Hưng: đại diện ủy viên phường, đại diện anh chị em đoàn thanh niên Hội Chữ Thập Đỏ Quận 7, Quận 1, đại diện Hội Phụ Nữ Phường, đại diện An Ninh Khu Vực, đại diện các Anh Em La San và Tình Nguyện Viên, chị Nữ Tu Bác Ái Vinh Sơn và cô giáo mới. Mọi người háo hức để đón các em trong lớp mới, với bàn ghế mới, bảng mới sơn… hoa cờ.
Nhưng, những người đón nhận tình thương tràn trề nhất lại không một mống có mặt: các em của đủ thành phần thấp hèn nhất xã hội không “dám" có mặt. Đi học là biến cố quá lớn đối với các em.
Nhưng sự nhiệt thành của “Hội Đồng Tình Thương” cũng không vô ích. Gia đình trong xóm và gần đó cũng đã sẵn sàng, Sr Bác Ái đã ra ngoài như các gia nhân của câu chuyện nhà vua mở tiệc cưới cho hoàng tử mà khách quý được mời viện đủ lý do để không đến, và họ đã ra ngã ba đường “kéo” hết mọi thành phần vào làm đầy phòng tiệc cưới. Sơ cũng vậy "lùa hết” được 25 bọn nhóc lêu lổng và một lớp học tình thương đã bắt đầu được. Mọi thành phần thở phào.
Lớp học Tình Thương niên khóa 2000-2001 đã khai trường như thế!
Lớp học nhộn nhịp vui tươi, các em hớn hở được nhận sách vở, bút mực. Vừa học hành, vừa được cô giáo thường yêu tận tình chỉ bảo. Và có lẽ, nhiều em chưa từng được như thế trong gia đình. Các em trở thành “sứ giả” của tình thương và đi chiêu mộ bạn bè.
Sau một tuần, lớp phải chia ra làm hai vì sĩ số đã trên 40 em. Những em nào đã biết đọc, biết viết thì cho vào chung một lớp, gọi là lớp 2. Những em chưa biết gì thì bắt đầu lớp 1.
II- TÌNH THƯƠNG KÊU GỌI TÌNH THƯƠNG
Các cô giáo đã làm tốt công việc yêu thương. Một lớp học Tình Thương thứ ba, rồi thứ tư với sĩ số gần 30 em lần lượt ra đời. Và cuối cùng con số lớp Tình Thương sau một tháng kể từ lúc khai giảng đã lên đến gần 120 em.
Một trường trở thành trường “Quốc tế”
Với nhiều triều đại thầy phụ trách Trường Tình Thương, từng bước một Tân Hưng có dáng dấp của một ngôi trường, tuy còn rất nghèo vì cơ sở Càng lúc trở nên chật chội với con số các em ngấp nghé 120 em. Các em không chỉ cần lớp học mà còn sân chơi. Các người phụ trách chỉ dám mơ có “một ông tiên” cho người nghèo!
Tuy thế, tại La San Tân Hưng các em là trung tâm của học đường theo triết lý giáo dục hơn 300 năm của học đường và giáo dục La San trên toàn thế giới. Và vì giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu của mọi đất nước, là sự nghiệp của toàn dân. Cho dù đây là ngôi trường quá đặc biệt đi nữa vì là trường mang tính dễ thương là trường Tình Thương, giáo dục cho các em trở thành người có đủ tri thức, có năng lực đáp ứng tương lai gần khi các em rời bỏ ngôi trường sau 5 năm để tiếp tục vào phổ thông cấp II và đi lên nữa, quả là sự cố gắng không ngừng của những thầy cô giáo tại đây, và của bao nhiêu tấm lòng quảng đại của rất, rất nhiều người của nhiều tầng lớp của các bác, các chú, các cô Cựu La San, của nhóm sinh viên tình nguyện, không phân biệt tôn giáo, quốc gia đã sẵn lòng đến sẻ chia công sức và tình thương cho các em kém may mắn, kể cả của các thầy cô giáo trường quốc tế người nước ngoài, nhiều lắm, kể cả các mẹ, các ngoại của những quán cơm xung quanh,... trường La San Tình Thương Tân Hưng trở thành “quốc tế” như thế của nhiều tấm lòng rộng mở.
III- NHÌN VÀO CHẶNG ĐƯỜNG 20 NĂM, MỘT TRĂN TRỞ
Không có đất nước nào mà lại không xem trọng công tác giáo dục và không xem nó quốc sách hàng đầu để xây dựng và phát triển đất nước cho dù ta đang nói đến một trường Tình Thương. 20 năm đã qua những em nhỏ đầu tiên giờ ra sao?
Cho nên, nói đến giáo dục là nói đến chất lượng giáo dục, và chất lượng đầu tiên là nhân cách con người được giáo dục, được đào tạo, và xã hội hóa công tác giáo dục là phương thức tích cực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đó.
Vì thế, dù là trường “bất thường”, các Thầy Cô Giáo luôn có dịp học hỏi nâng cao nghiệp vụ qua những lần trong tháng được bồi dưỡng về nền giáo dục La San, chú tâm coi trọng các em trong nhà trường mình giúp “touching mind, touching heart, touching hands".
Anh em La San và những người thiện chí “Cùng Chung và Liên Kết” quyết tâm cùng nhau hỗ trợ và tạo nên những thuận lợi cho quá trình giáo dục trong trường Tình Thương La San Tân Hưng từng ngày trở nên chất lượng hơn.
Chính vì thế, những người phụ trách và các thầy cô giáo tại đây, rất xem trọng trong việc thể hiện huy động càng nhiều thành phần xã hội tham gia vào những việc như giúp cụ thể hóa mục tiêu giáo dục, cải tiến nội dung, và phương pháp giáo dục, xây dựng cụ thể môi trường giáo dục phù hợp với Tân Hưng, tăng cường phẩm chất của người dạy và người học, tạo nên những điều kiện vật chất tốt hơn để nâng cao chất lượng giáo dục.
IV- GIẤC MƠ XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC GIÁO DỤC CỦA LA SAN TÂN HƯNG
Giấc mơ “Cùng Chung và Liên Kết” xã hội hóa giáo dục như vừa nói ở trên là còn rất nhiều: nó là con đường thuận tiện nhất để, ngoài các thầy cô giáo tại nhà trường, còn là sự mời gọi nhiều tầng lớp khác ngoài nhà trường: gia đình (phụ huynh), xã hội, các người thiện nguyện, những người còn yêu mến lý tưởng giáo dục La San, để cùng nhau chung tay cho công tác giáo dục các em Tân Hưng vốn đã gặp nhiều bất lợi nhất trong xã hội.
Lúc đó tôi vẫn mơ làm sao, những em đã được cắp sách đến trường Tình Thương La San Tân Hưng, đã có cơ may mỗi ngày sẽ cảm nhận tình thương của thầy cô giáo, của bạn bè, thì các em cũng có cơ may đáp trả tình thương này với mọi người xung quanh và với cả gia đình các em. Tình thương này làm cho mỗi em trở nên ấm áp hơn, tươi vui hơn, có động lực để học tập, xây dựng tương lai cho bản thân với niềm tin tưởng vào tương lai.
Và tôi xác tín như Mẹ Thánh Teresa Calcutta:
Nếu tôi cảm thấy
Hoa trái của tĩnh lặng là cầu nguyện
Hoa trái của nguyện cầu là niềm tin
Hoa trái của niềm tin là hạnh phúc
Thì tôi xác tín
Hoa Trái Của Hạnh Phúc Là Tình Yêu Thương
Và nếu “Cái Đẹp Cứu Vớt Thế Giới”
Thì tôi cũng xác tín
Tình Thương Là Nét Đẹp Tiềm Ẩn Sức Mạnh Vĩ Đại
(Dostoievski)