SỐNG BIẾT ƠN ĐỂ ĐƯỢC BIẾT ƠN

Vì tôi tin rằng “Tôi trồng, Apolo tưới nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên”(St. Paul).

SỐNG BIẾT ƠN ĐỂ ĐƯỢC BIẾT ƠN

Tháng 11 nữa lại về, tháng của những ngày cuối năm, tháng làm cho lòng ta nhớ về những người đã đi qua trong cuộc đời mình. Họ có thể là ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè,…những người đã đem lại cho ta một cuộc đời, một giá trị sống mà ta phải luôn biết ơn. “Nếu cho tôi một con cá thì tôi sẽ ăn hết nó trong một ngày. Nhưng nếu dạy tôi cách câu cá thì tôi sẽ được ăn cả đời”.

Trong cuộc đời mình cũng có nhiều người cho tôi cá để ăn nhưng cũng có rất nhiều người dạy tôi cách câu cá. Tôi biết ơn hết tất cả vì họ đã cho tôi hiểu và dạy tôi cách sống cuộc đời của mình. Hình ảnh một người thầy mà làm cho tôi nhớ mãi, mỗi ngày bước vào lớp với chiếc áo sơ-mi trắng bỏ thùng thấm đẫm mồ hôi, tay thì liên hồi mở máy tính để kết nối với máy chiếu, miệng thì liên tục kể chuyện này chuyện kia. Tôi may mắn  được học với người thầy ấy chỉ một năm, mỗi tuần một buổi. Nhưng mỗi lần đến tiết học là luôn háo hức chờ đợi vì mỗi buổi học đối với tôi là một trải nghiệm, một sự mới mẻ, một năng lượng sống đầy tích cực. Những trò chơi, bài hát, cử điệu vô cùng ồn ào nhưng cũng có những phút tĩnh lặng thật ý nghĩa. Người thầy ấy luôn nhắc nhở chúng tôi rằng: “Tụi con phải thay đổi vì thế giới này đang thay đổi từng ngày, không được sống an phận”. Thầy luôn truyền một động lực sống cho lớp chúng tôi. Rồi đến một ngày khi nghe tin thầy đã ra đi vào mùng 7 tết, tôi bần thần một nỗi buồn ập đến vì từ nay sẽ không còn được nghe giọng thầy nữa. Con cám ơn Frere Pierre Thái Sơn Minh vì cho đến bây giờ nhưng lời dạy của Frere đã truyền động lực sống cho con để con tiếp tục truyền động lực cho những đứa học trò của con như ngày xưa Frere đã từng dạy con. Cuộc đời là thế! Khi bạn ra đi, bạn đã để lại gì cho cuộc đời này để khi bạn nhắm mắt xuôi tay vẫn còn có người nhớ đến bạn.

Tôi vẫn còn nhớ năm III đại học, khi ấy lớp tôi học bộ môn “Phương pháp dạy học Tiếng Việt”. Giáo sư yêu cầu sinh viên về đọc tác phẩm “Totochan – Cô bé bên cửa sổ” của nhà văn người Nhật và viết cảm nhận về tác phẩm này. Câu chuyện kể về một cô bé tinh nghịch, bị đuổi học khi vừa vào lớp một, nhưng trong ngôi trường mới trên toa tàu kì lạ mang tên Tomoe, dưới sự dẫn dắt cởi mở của thầy hiệu trưởng Kobayashi, không có đứa trẻ nào bị coi là cá biệt nhưng là những thiên thần nhỏ, với những tính cách riêng và tài năng thiên bẩm như một mỏ quặng đang chờ được khai phá. Thầy vừa là hiệu trưởng vừa là người điều khiển toa tàu, không dùng bàn tay người lớn uốn nắn các em mà để học sinh được phát triển tự nhiên. Thầy không tham vọng tạo ra những thiên tài, chỉ mong các em sau này lớn lên trở thành người thành đạt và sống hạnh phúc.

Khi chọn nghề giáo tôi đã biết mình sẽ phải chịu trách nhiệm với biết bao nhiêu đứa trẻ và tương lai chúng sẽ ra sao là do cách giáo dục của tôi. Vì thế, tôi vẫn luôn cố gắng từng ngày với hết khả năng của mình để góp phần giáo dục nên những mầm non của đất nước, của Giáo hội. Vì tôi tin rằng “Tôi trồng, Apolo tưới nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (St. Paul).

Một chút tản mạn về tháng 11, đặc biệt là ngày 20/11 để nhắc nhở tôi về lòng biết ơn với tất cả mọi người đã đi qua trong cuộc sống, nhắc nhở tôi về trách nhiệm mà tôi đang mang trên mình. Xin cám ơn ngôi nhà Tình Thương La San Tân Hưng đã đón nhận tôi. Tôi không bước đi đơn độc nhưng bước đi cùng với mọi người để làm cho cuộc sống này trở nên tươi đẹp hơn.

Mây Khói

 

Phụ lục