TRƯỜNG TÌNH THƯƠNG LA SAN TÂN HƯNG CÓ GÌ LẠ?

Điều lạ thứ nhất: Không than vãn trách móc. Điều lạ thứ hai: Ăn gì cũng cảm thấy ngon. Điều lạ thứ ba: Tự lập đi tới trường tuy tuổi còn rất nhỏ. Điều lạ thứ tư: Hiền lành chất phát. Điều lạ thứ năm: Được mọi người thương mến.

TRƯỜNG TÌNH THƯƠNG LA SAN TÂN HƯNG CÓ GÌ LẠ?

Trường Tình Thương La San Tân Hưng, trong Dòng một số anh em thường gọi ngắn gọn là Trường Tình Thương. Tôi vẫn nhớ cảm giác lần đầu tiên nghe về 3 từ thân thương đó khi tôi mới chập chững sống trong ơn gọi La San, một cảm giác rung động lạ thường, một sự thúc bách được viếng thăm, được mục sở thị để xem ngôi trường như thế nào, các em học sinh mặt mũi ra sao. Tuy nhiên vì nhiều lí do khác nhau, phải rất lâu sau sự thao thức của tôi mới thành hiện thực. Ngày thăm viếng lần đầu tiên đó rất đỗi ngạc nhiên đối với tôi và tôi thấy các em thật là dễ thương. Chính sự dễ thương của các em mà lòng tôi lại ước mong có cơ hội được dạy các em, được vui chơi với các em. Một lần nữa ước muốn của tôi lại trở thành hiện thực, tôi chính thức tới trường dạy Anh văn cho các em vào năm học 2014 – 2015. Thời gian đó tôi chỉ phục vụ như một giáo viên dạy xong tiết rồi về chứ không có nhiều thời gian thăm viếng gia đình các em, và không tham gia nhiều hoạt động của nhà trường. Tuy nhiên, một chút phục vụ đó cũng đủ làm tôi “nghiền” các em, tôi muốn dấn thân nhiều hơn. Tôi nghiệm ra câu cha ông ta thường nói “con người thường được voi đòi tiên” thật đúng với tôi trong trường hợp này. Qua những ước muốn tôi đã đạt được, tôi lại muốn được là người vẽ ra một chân trời mới, vẽ một mục tiêu phù hợp với ý định của Chúa và là người dẫn các em đạt tới chân trời và mục đích đó. Quả thật, Chúa không phụ lòng tôi. Lại một lần nữa ước muốn tôi thành hiện thực, sau năm học đó tôi được nhận bài sai tới phục vụ các em như một người quản lí, một hiệu trưởng của Trường. Quả thật là rất khó khăn cho tôi vào thời gian đó vì tôi không có một ngày nào làm việc trong trường học như một hiệu trưởng và cũng chưa từng chịu trách nhiệm quản lí một công việc gì to tát. Tuy nhiên, với sự nhiệt tâm nhiệt thành và lòng ao ước, Chúa đã từng bước dẫn tôi vượt qua những khó khăn tôi gặp phải. Tôi từng bước khắc phục những khía cạnh một nhà quản lí, một hiệu trưởng phải biết như là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng khích lệ, động viên, kỹ năng giảng hòa, khả năng chuyên môn về quản lí học tập và đặc biệt phải có một mục tiêu rõ ràng cho nhà trường tiến tới. Tôi phục vụ các em được 2 năm và 2 năm đó thật là ý nghĩa với cuộc đời tôi và thật ý nghĩa với ơn gọi tôi đang bước đi. Có thể nói, sau nhiều năm sống và làm việc trong ơn gọi La San, tôi không có nhiều dấu ấn đậm nét như khi tôi phục vụ tại Trường Tình Thương bởi vì, khi phục vụ như là một quản lí, một hiệu trưởng, tôi mới có nhiều cơ hội đi sát với các em với các hoạt động của Nhà Trường và tôi khám phá có nhiều điều lạ tại đó.  

Điều lạ thứ nhất: Không than vãn trách móc. Mặc dù nhà trường thiếu thốn đủ bề đặc biệt là cơ sở vật không đủ rộng để các em có đủ không gian vui chơi, thế nhưng, các em không một lời than vãn trách móc này nọ, ngược lại khi đến trường các em rất hớn hở vui tươi. Dường như đối với các em niềm vui được gặp bạn bè, được gặp thầy cô đó là niềm vui tột đỉnh và niềm vui đó như là mục đích sống của các em, như là mục tiêu chúng hướng tới mỗi ngày và chính mục đích đó làm chúng quên đi những điều chưa thực sự tốt chung quanh. Albert Einstein đã nói “nếu bạn muốn sống hạnh phúc của mình hãy theo sát mục tiêu của mình thay vì một thứ gì hay một ai đó”. Chính vì chúng có mục đích sống rõ ràng, chúng sống hạnh phúc và ngừng than vãn và phải chăng mặc dù các em mang hình hài trẻ thơ nhưng lại các em rất trưởng thành vì chúng ta hay thường nói người trưởng thành là người ngừng than vãn đó sao. Thật là một điều lạ!

Điều lạ thứ hai: Ăn gì cũng cảm thấy ngon. Vào những năm tôi phục vụ tại trường các em được ăn trưa tại trường, tôi rất thích đồng hành với các em trong giờ ăn trưa. Vì theo quan điểm của tôi, ngang qua việc phục vụ giờ ăn trưa cho các em, tôi dạy dỗ cách em được nhiều điều về nhân bản, nhân cách sống. Người ta thường nói “học ăn học nói, học gói học mở”. Theo thứ tự từ ngữ câu tục ngữ thì chữ ‘học ăn’ đứng vị trí đầu tiên, điều đó như nói lên đời người luôn bắt đầu ‘ăn’ trước khi ‘nói’. Học ăn không chỉ dừng lại ở việc ăn mà mở rộng hơn như đứng lên ngồi xuống… Chính vì thế, tôi muốn dạy các em cách ăn uống làm sao cho phải, qua việc phục vụ ăn trưa tôi dạy các em cách xếp hàng chuẩn bị vào bàn ăn như thế nào, đứng lên ngồi xuống phải làm sao, ăn phải như thế nào, nói như thế nào cho phù hợp trong bàn ăn...và điều hạnh phúc nhất là nhìn các em ăn ngon miệng. Có người nói các em ăn ngon miệng là do“của không ngon nhà đông con cũng hết”. Họ hiểu rằng nhà đông con thường thiếu đồ ăn, mà thiếu đồ ăn thì thường là bị đói, mà bị đói thì ăn gì cũng ngon. Nhưng điều đó có lẽ sai trong trường hợp này vì các em luôn được ăn uống đầy đủ tại trường nên tôi nhìn theo một cách tích cực hơn đó là có thể hiểu nhà đông con, mỗi lần ngồi ăn vui vẻ hạnh phúc vì có cha có mẹ, có anh có em, có bạn bạn bè nên ăn gì cũng cám thấy ngon. Tôi thích hiểu theo cách thứ 2 hai vì nó mang tới một cách nhìn tích cực, một triết lý sống chung ăn chung cho riêng mình. Và cũng lạ chính các em học được triết lý đó!

Điều lạ thứ ba: Tự lập đi tới trường tuy tuổi còn rất nhỏ. Vào thời gian đó, cứ mỗi sáng tinh sương và chiều tàn tôi chạy xe máy từ cộng đoàn tới nhà trường và từ nhà trường về cộng đoàn. Đó là một quảng đường đông đúc phương tiện vận chuyển và khá xa. Thật là khó khăn cho những ai không vững tay lái và không quen đi bộ hoặc nhát gan di chuyển trên con đường này. Thế mà, tôi vẫn thường xuyên bắt gặp các em đi tới trường trên con đường đó. Điều đó chứng tỏ, các em thật là những tay lái xe đạp cừ khôi và những người đi bộ dũng cảm. Và qua quan sát tôi thấy một điều lạ là không thấy bất cứ một học sinh nào ngoài học sinh Trường Tình Thương đi bộ và đi xe đạp trên con đường đông đúc đó. Dẫu biết rằng các em đã quen với việc đó, nhưng cứ mỗi sáng và giờ tan học lòng tôi vẫn thấp thỏm lo lắng nghĩ về các em và cầu nguyện cho các em được bình an. Và chỉ có phép lạ mới giữ các em an toàn cho tới ngày hôm nay. Và thật lạ là các em có được sự tự lập đi tới trường còn rất nhỏ!

Điều lạ thứ tư: Hiền lành chất phát. Hầu hết các em là con của những gia đình không khá giả từ các tỉnh và vùng quê tới Sài Gòn lập nghiệp. Vì miếng cơm manh áo nên cực chẳng đã bố mẹ các em đã để các em phải tiếp xúc rất nhiều thành phần ngoài xã hội từ rất sớm. Một số em phải đi bán vé số, phải đi phụ giúp quán ăn vào những giờ không tới trường để kiếm tiền phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống. Mặc dù các em có hoàn cảnh như thế, nhưng tôi lấy làm lạ là các em không bị “biến chất”, không bị cuốn theo vòng xoáy của một xã hội nhiều phức tạp, nhiều điều không hay. Các em vẫn giữ được sự chất phát hiền lành của một trẻ thơ. Chính sự chất phát hiền lành của các em đã làm tôi thích các em. Mỗi lần chơi và nói chuyện với em, tôi không phải suy nghĩ nhiều vì các em có sao nói vậy, các em không nói câu hai ý hay hơn hai ý để bắt người nghe phải suy nghĩ. Và mỗi lần các em gọi Cô, gọi Thầy, gọi Frère là các em với tất cả tấm lòng thương mến, với tất cả sự chân thành, với tất cả nét đẹp đúng với ý nghĩa của từ ngữ chứ không lên giọng hoặc xuống giọng để người nghe phải hiểu nó khác đi.

Điều lạ thứ năm: Được mọi người thương mến. Người lấy tiêu chí giàu nghèo để đo thang giá trị của một con người thì thường nói nghèo không có ai thương đâu. Người lấy tiêu chí sự sống trong sạch làm nấc thang giá trị của con người thì thường không để ý tới điều đó mà họ thường để ý tới dù sống hoàn cảnh nào thì sống sao cho tâm hồn thanh thản, sống sao cho tâm trí được bình yên, và sống sao cho phù hợp câu tục ngữ “đói cho sạch rách cho thơm”. Sống sao cho sạch cho thơm với một người có xuất phát điểm được sinh ra trong các gia đình gia giáo đã là khó mà sinh ra trong các gia đình gặp khó khăn lại càng khó hơn. Và sống sao cho sạch, cho ngoan hiền, cho yên làng yên xóm với độ tuổi học sinh “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” cũng là một ký tích. Thế mà các em vừa là tuổi học sinh vừa là một người được sinh ra trong một gia đình với muôn vàn khó khăn, lại thêm tiếp xúc với các thành phần ngoài xã hội từ rất sớm, các em vẫn sống rất ngoan hiền, dễ thương, các em vẫn để xóm giềng yên bình. Có lẽ các em đã biết lấy tiêu chí sống trong sạch làm mục tiêu cho cuộc sống của các em. Quả đúng thế, chính vì các em sống trong sạch, sống ngoan hiền làm mục tiêu cho đời sống các em nên các em luôn được mọi người thương mến. Dẫn chứng là qua những năm tháng tôi phục vụ, tôi thấy không một người hàng xóm nào tới than phiền về các em mà người lại còn tìm mọi cách này cách khác giúp đỡ các em. Ngoài ra, các em được các bác sĩ thăm khám định kỳ hằng năm, được các ân nhân giúp đỡ, được các thầy cô cũng hết lòng thương mến. Các thầy cô hết lòng vì các em, các thầy cô làm việc mà quên thời gian, các cô làm việc mà không tính toán, các cô làm việc với tất cả tình thương mến dành cho các em.

Với tất cả sự khiêm nhường tôi có thể nói rằng, tôi phục vụ Nhà Trường, phục vụ các em. Điều tôi nhận được nhiều hơn là điều tôi cho đi đó là các em đã dạy cho tôi năm điều lạ ở trên. Đó như là những bài học quý giá không những cho cuộc sống thường ngày của tôi mà cho chính ơn gọi tôi đang dấn thân nữa. Tôi kết thúc bài sai phục vụ tại Nhà Trường, các em cũng ngày một lớn hơn và nhiều em đã tốt nghiệp và rời Nhà Trường. Nó như âm dương ngàn trùng cách biệt, biết đến khi nào có thể lại nhìn thấy nhau. Mong các em có được cuộc sống thật hạnh phúc, thật ý nghĩa, và thật hữu ích trước hết là cho những ngườì trong chính gia đình các em, sau nữa là cho xã hội. Mặc dù âm dương ngàn trùng cách biệt nhưng âm dương cũng luôn hướng về nhau, cầu cho nhau được yên bình. Hy vọng một ngày không xa chúng ta lại gặp nhau và nhỏ to những kỷ niệm đẹp chúng ta đã từng có!

Môt lần nữa xin hết lòng cám ơn nhà Dòng cùng Quý Frères và Quý Cô đã phục vụ thời gian đó như Frère Đặng Quốc Tiến, Lê Thành Đô, Phạm Quang Thường, Lê Văn Tùng, Cô Phùng Xuân Lợi (Cô Cúc), Vũ Thị Oanh, Ngô Hoàng Oanh, Lưu Thị Ngọc Sang, Trương Thị Thương Hoài, Kiều Thị Thu Lộc, cùng tất cả các Ân Nhân xa gần đã cho phép và cùng tôi đóng góp vào một giai đoạn lịch sử tốt đẹp của Nhà Trường. Xin chào và chúc mọi tất cả mọi người bình an và an mạnh trên chặng đường mọi người đang bước đi. 

Fr. Phan Thế Trường

 

 

 

Phụ lục